Câu chuyện về Rubik

"TỨ ĐẠI" PHƯƠNG PHÁP GIẢI RUBIK 3X3 CÓ GÌ?

Được đăng bởi: V.R -

I. TẠI SAO GỌI LÀ "TỨ ĐẠI PHƯƠNG PHÁP"?

Từ khi rubik được ra đời cho đến nay, có rất nhiều phương pháp để giải rubik 3x3. Số ít trong đó - cụ thể là 4: CFOP, Roux, ZZ và Petrus. Phổ biến nhất trong số đó là CFOP, tiếp đến là Roux và cuối cùng là ZZPetrus. Câu này chỉ áp dụng trên vấn đề là số người dùng, chưa đề cập tới vấn đề hay, dở như thế nào cả.

II. "TỰ ĐẠI PHƯƠNG PHÁP" GỒM NHỮNG PHƯƠNG PHÁP NÀO?

1. Phương pháp phổ biến nhất thế giới (1): Phương pháp CFOP

1.1. Ai đã tạo ra phương pháp này?

Phương pháp CFOP được đề xuất vào khoảng 1978 - 1981, nhưng vào năm 1995, bà Jessica Fridrich độc lập phát triển và công bố phương pháp này, nên ở thời điểm đó có thể gọi là phương pháp Fridrich. Nói không ngoa khi phương pháp này thống trị hoàn toàn bảng xếp hạng vào những năm 2000, vì nó là phương pháp tốt nhất ở thời điểm đó. Sau này, phương pháp Fridrich được đổi thành phương pháp CFOP, dựa theo chữ cái đầu tiên của các bước giải của phương pháp này.

Bà Jessica Fridrich - Người tạo ra phương phapr giải rubik phổ biến nhất thế giới
Hình ảnh của bà Jessica Fridrich từ năm 2020 (bên trái)

Người dùng phương pháp CFOP tốt nhất ở thời điểm hiện tại là Yiheng Wang, với Kỉ lục Thế giới trung bình 5 lần giải là 4.09 giây.

Yiheng Wang (王艺衡) - Cuber người Trung Quốc

1.2. Phương pháp CFOP có những bước nào?

C – Cross: Giải dấu cộng màu trắng, hoặc bất kì màu nào mà người chơi muốn.

Ban đầu chỉ đơn thuần là dấu cộng thôi, về sau sẽ được những người nghiên cứu, những người chơi phát triển và tối ưu để có thể kết hợp và phát triển thành Xcross hoặc PseudoCross.

F – F2L (First 2 Layers): Giải đồng thời góc của tầng 1 và cạnh của tầng 2.

Cơ bản chỉ có 41 trường hợp, vì là cơ bản nên chỉ có nhiêu đó thôi, nếu phát triển ra nhiều hướng khác nhau và kết hợp thêm bộ công thức ví dụ như VLS hoặc ZBF2L thì không chỉ dừng ở số 41.

Đây là bước tốn nhiều thời gian giải nhất và cũng có thể nói “hơn thua nhau ở bước F2L”

O - OLL (Orientation of the Last Layers): Hoàn thành mặt vàng. 

Có tổng cộng 57 trường hợp có thể xảy ra. Con số này có thể thay đổi tùy vào bộ công thức mà người chơi muốn dùng.

P - PLL (Permutation of the Last Layers): Hoán góc và hoán cạnh. Đây là bước cuối cùng để hoàn thành tầng 3, có 21 trường hợp. 

1.3. Ưu và nhược điểm của phương pháp CFOP:

- Ưu điểm: Nhanh, rất dễ tiếp cận, tài liệu phong phú.

- Nhược điểm : Cần sự tập trung nhiều (có lẽ thế).

 

2. Phương pháp phổ biến nhất thế giới (2): Phương pháp ROUX 

2.1. Ai đã tạo ra phương pháp này?

Phương pháp này được đề xuất vào năm 2003 bởi ông Gilles Roux.

Ở thời điểm đó thực sự phương pháp này không tạo nhiều sự đột biến như CFOP, vì phương pháp này dùng tầng M (tầng giữa) khá nhiều, cộng thêm chất lượng rubik thời điểm đó không thực sự thoải mái để thao tác.

Thời điểm hiện tại, công nghệ phát triển, nhiều thuật toán hơn, tài liệu phong phú hơn nên phương pháp Roux tiến rất xa, thậm chí là đã có cả Kỉ lục Thế giới (tận 3 lần luôn).

Ông Gilles Roux - Người tạo ra phương pháp Roux
Hình ảnh từ năm 2007

Phương pháp Roux có thể chơi nhanh trong bộ môn giải 2 tay, nhưng "mạnh nhất" ở bộ môn giải 1 tay.

Người chơi tốt nhất là Sean Patrick Villanueva, hiện tại còn giữ Kỉ lục Thế giới giải rubik 1 tay trung bình 5 lần giải.

Sean Patrick Villanueva - Cuber người Philippin

2.2. Phương pháp Roux có những bước nào?

2.2.1.First Block: Tạo Khối 1x2x3 bên trái hoặc phải.

Đa số người chơi đều thuận tay Phải nên mọi người thường làm First Block ở bên Trái. Thật ra người chơi có thể làm Khối 1x2x3 bên Phải, không ai cấm cả, nhưng xét về độ thuận tay hoặc thao tác thì sẽ hơi bất lợi.

Về thuật toán thì đang có 2 chiều hướng: Tự nghiệm hoặc Học công thức. Khối 1x2x3 có tầm nhìn rộng hơn nhiều, gần như là bao phủ cả khối rubik nên thuật toán cơ bản thôi cũng tầm 10 công thức, nhưng muốn nhanh hơn và tối ưu hơn thì con số khá lớn, khoảng 300+ công thức.

2.2.2.Second Block: Tạo khối 1x2x3 đối diện với First Block

Khi người chơi làm First Block bên trái thì Second Block chắc chắn sẽ được làm ở bên phải.Lúc này thì khối rubik đã bị giới hạn phạm vị tìm kiếm bởi First Block nên việc tìm kiếm và làm sẽ dễ hơn.

Người chơi có thể giải quyết Second Block bằng thuật toán của F2L, tính ra cũng khoảng 80 – 100 công thức, nhưng để tối ưu hơn thì cũng có thể khoảng 250+ công thức.

2.2.3. CMLL: Lật góc và hoán góc cùng 1 lúc

Đây là bước dễ nhất trong tất cả các bước của phương pháp Roux. Có hình ảnh, có công thức rồi thì chỉ cần bỏ thời gian ra học thôi, không cần suy nghĩ nhiều.

Có tổng cộng 42 thuật toán có thể xảy ra, tỉ lệ xuất hiện gần như đều nhau, nên các trường hợp đều có cơ hội xuất hiện trong lúc chơi.

Tài liệu về CMLL rất nhiều, và người chơi có thể lựa chọn công thức trong hơn 400 công thức 1LLL để thành 1 bộ công thức CMLL của riêng mình. Người chơi có thể thay thế bằng bộ công thức khác là COLL.

Có thể đây là câu trả lời cho bạn nàothắc mắc tại sao lại có tên CMLL trong khi nó giống COLL về cách hoạt động công thức.

2.2.4.LSE – Last Six Edges (hoặc L6E): Giải 6 cạnh cuối, bước này có thể nói là bước đặc trưng của phương pháp Roux vì sử dụng tầng M (tầng giữa) hoàn toàn.

Sau khi giải quyết xong CMLL, lúc này rubik chỉ còn lại các cạnh ở tầng giữa thôi, bao gồm 4 cạnh ở mặt U và 2 cạnh ở mặt D.

Bước này sẽ có cách giải theo thứ tự tương ứng với 3 bước:
     + EO (Edges Orientation) – lật cạnh sai: Bước này sẽ giải khối rubik ở trên mặt U và mặt D chỉ có màu trắng hoặc vàng thôi. Có tổng cộng 11 trường hợp có thể xảy ra.

ULUR – Ghép cạnh UL UR để hoàn thành tầng L và R: Bước này khác dễ, chỉ có 2 thuật toán và mỗi cái sẽ làm tầm 3 bước thôi.

L4E (Last 4 Edges) – Giải 4 cạnh cuối: lúc này chỉ còn đúng 4 cạnh ở tầng M (tầng giữa) thôi, về thuật toán thì có khoảng 20 công thức, người chơi có thể tự nghiệm.

2.3. Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp Roux:

2.3.1. Ưu điểm

Không cần đảo rubik qua lại nhiều.

Số bước ít nhất trong 4 phương pháp.

Số lượng công thức có thể chỉ còn tầm 50 thôi, nếu người chơi có nhiều thời gian để luyện tự nghiệm cách tối ưu cho phương pháp.

2.3.2.Nhược điểm:

Vì không được đảo rubik qua lại nên rubik sẽ có điểm mù, như vị trí DB là gần như không thấy gì. Nhưng người chơi được phép ngửa lên nhìn.

Phương pháp này gần như sử dụng hết các tầng có thể làm trên rubik 3x3 luôn, từ các tầng cơ bản như U R L D…. cho tới các tầng như M r l…. đều có. Nên người chơi phải làm quen và tùy biến theo lượt giải.

3. Phương pháp không phổ biến nhiều: Phương pháp ZZ

3.1. Ai đã tạo ra phương pháp này?

Phương này ban đầu được đề xuất vào năm 2003 bởi ông Ryan Heise, nhưng tới năm 2006 ông  Zbigniew Zborowski độc lập phát triển phương pháp này nên từ đó phương pháp này có tên viết tắt là tên của ông: ZZ.

Ông Zbigniew Zborowski - Người phát triển phương pháp ZZ
Hình ảnh từ năm 2011

Tuy không phổ biến nhiều nhưng đa số người chơi có kinh nghiệm ở mức khá đều biết phương pháp này là gì và nó như thế nào.

Nếu so sánh thành tích với các phương pháp như CFOP, ROUX thì ZZ khó có thể bì kịp. Nhanh nhất hiện tại là thành tích 7.29 trung bình 5 lần giải của Dale Stephen M. Palmares.

 

Dale Stephen M. Palmares - Cuber người Philippin

3.2. Các bước giải của phương pháp ZZ: nếu người chơi đã biết phương pháp CFOP thì đó sẽ là 1 lợi thế.

3.2.1. EOLINE - xử lý cạnh sai:

Đây là bước khó nhất của phương pháp này, đồng thời làm ra bước đặc trưng của ZZ (xem ảnh). Có thể hiểu đơn giản, CFOP tạo ra dấu cộng, ZZ tạo ra dấu trừ.

Lý thuyết cạnh sai thì cũng đơn giản, không có gì khó, nhưng cái khó là làm sao để tối ưu bước giải và giải nhanh được, đó mới là vấn đề.

3.2.2.ZZF2L: Hoàn thành tầng 2

Nghe từ "F2L" quen đúng không? Nếu người chơi biết F2L bên CFOP thì bước này không cần phải học nhiều công thức, vì người chơi đã hoàn thành bước 1 nên trạng thái của cạnh luôn luôn “Đúng”. Công thức chỉ giới hạn lại những trường hợp có cạnh “Đúng” thôi, ngoài ra người chơi có thể hoàn thành bước này mà không cần đảo rubik qua lại nhiều, gần như các trường hợp đều “ở vị trí sẵn sàng”.

3.2.3. GIẢI TẦNG 3: Nếu giải từ đầu cho tới bước này một cách suôn sẻ thì mặt U tầng 3 luôn luôn có 1 dấu cộng, sẽ có nhiều cách để xử lý tầng 3.

+ Cơ bản cơ bản của cơ bản: Người chơi chỉ cần dùng 3 công thức là có thể giải quyết được tầng 3 rồi, đổi lại là rất tốn thời gian

+ Cơ bản nhưng nâng cao: Người chơi sẽ học 7 công thức lật góc, 2 công thức hoán góc, 4 công thức hoán cạnh.

+ Biết chơi CFOP: người chơi sẽ học 7 công thức lật góc, 21 công thức hoán góc hoán cạnh. Học nhiều công thức hơn nhưng giải nhanh hơn rất nhiều.

+ Biết chơi CFOP nhưng muốn cơ bản: Người chơi có thể học COLL, có tổng cộng 40 công thức, khi làm xong thì sẽ lật góc đồng thời hoán góc luôn, sau đó chỉ cần áp dụng 4 công thức hoán cạnh là xong.

+ Sự lựa chọn tối ưu: đó chính là ZBLL, có 493 công thức, rất nhiều, nhưng sẽ rất nhanh, 1 công thức có thể giải quyết tận 3 công việc lật góc, hoán góc và hoán cạnh.

3.3. Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp ZZ:

3.3.1. Ưu điểm:

Số bước di chuyển trung bình, không nhiều và cũng không hẳn là ít.

Người chơi có thể hoàn thành rubik 3x3 mà không cần phải đảo rubik qua lại, mọi thứ gần như sẵn sàng trong tầm tay.

3.3.2. Nhược điểm:

 Mất nhiều thời gian để thành thạo Eoline, đương nhiên là chơi lâu sẽ có hướng giải tối ưu hơn nhưng phạm vi rất rộng, có thể rộng hơn cả Roux.

Người chơi không quen làm tay trái thì khó có thể giải nhanh ở bước ZZF2L.

 

4. Phương pháp bị lãng quên: Phương pháp PETRUS

4.1. Ai đã tạo ra phương pháp này?

Phương pháp này được đề xuất vào năm 1981 bởi ông Lars Petrus, sớm hơn cả phương pháp CFOP vào năm 1995, phương pháp này có thể nói là “cái nôi” của các phương pháp khác dựa trên Block-Building.

Tại sao phương pháp này bị lãng quên? phương pháp Petrus ra đời sớm hơn phương pháp ZZ, nhưng xét về các bước làm thì Petrus và ZZ khá giống nhau, nhưng ZZ thì thoải mái hơn so với Petrus, sẽ có nhiều người nói Petrus khá “tù” (tù túng) khi giải, thà dùng ZZ thoải mái hơn.

Ông Lars Petrus - Người tạo ra phương pháp Petrus
Hình ảnh từ năm 2023

Như vậy có người dùng tốt không? Nếu so với các phương pháp kể trên thì sẽ không bằng nhưng phương pháp này có thể giúp người chơi giải dưới 9 giây, người sử dụng phương pháp này tốt nhất ở thời điểm hiện tại là Tao Yu.

Tao Yu (喻韬) – Cuber Ireland
Trước đây Tao Yu (喻韬) – Cuber Trung Quốc

4.2. Các bước giải của phương pháp Petrus:

4.2.1.Tạo khối 2x2x2 ở bất kì vị trí nào sau đó mở rộng ra khối 2x2x3

4.2.2.Giải quyết cạnh sai:

Lúc này thì chỉ còn mặt bên phải R và mặt U. Có tổng cộng 7 cạnh sai, nhưng trạng thái rubik đúng thì cạnh sai luôn luôn là số chẵn. Công thức thì có gần như là đầy đủ. Nhưng bị giới hạn bởi tầng phải và tầng U thì hơi tù túng khi làm, một số cuber khác sẽ xoay qua và làm trái phải + tầng F, cũng tù túng thôi (*nhận định của người không chuyên, bạn nghĩ sao?)

Sau đó giải quyết 2 cặp cuối cùng để hoàn thành tầng 2.

4.2.3. GIẢI TẦNG 3: nếu giải cạnh sai đúng thì mặt U luôn luôn có dấu cộng, người chơi có thể lựa chọn cách giải phù hợp (đã nói ở mục 3.2.3 ZZ)

4.3. Ưu và nhược điểm của phương pháp Petrus:

4.3.1. Ưu điểm:

Phương pháp này có số bước di chuyển cũng tương đối khoảng 45 55 ( 45 nếu sử dụng ZBLL để giải tầng 3)

Từ đầu cho tới khi giải tầng 3 người chơi có thể tự nghiệm mà không cần học công thức.

4.3.2. Nhược điểm:

Khá tù túng trong việc giải quyết các trường hợp (hoặc đôi khi không)

III. Tổng kết

Và đó là 4 phương pháp nổi nhất trong tất cả phương pháp giải rubik 3x3 cho tới thời điểm hiện tại. Mỗi phương pháp sẽ có đặc điểm, ưu điểm, nhược điểm riêng và điều thú vị riêng. Nếu người chơi không quá quan tâm về thành tích bảng xếp hạng thì có thể chơi bất kì phương pháp tiềm năng nào mà mình muốn.

Bình luận
Chưa có bình luận nào.

Bài viết liên quan
Xem thêm các bài về Câu chuyện về Rubik
Bài viết gần đây
Xem thêm các bài viết gần đây